Kinh nghiệm leo núi an toàn cho người đam mê chinh phục

Chinh phục các đỉnh núi cao luôn đem lại cho du khách rất nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, để có hành trình an toàn thì việc trang bị cho bản thân những kinh nghiệm leo núi là điều vô cùng cần thiết với mọi du khách.

1. Những vật dụng thiết yếu cần chuẩn bị

Trước khi bước vào hành trình chinh phục những đỉnh núi đầy gian nan, việc chuẩn bị cho bản thân những vật dụng cần thiết là điều vô cùng quan trọng. Do phải đi bộ quãng đường dài nên một đôi giày tốt là thứ không thể thiếu trong hành trình của du khách. Bạn nên lựa chọn những đôi giày cao cổ có khả năng chống nước để thuận tiện cho việc lội suối. Theo kinh nghiệm leo núi của một số du khách thì giày nên có phần đế cao su không quá cứng, nhiều gai và ma sát tốt để tránh trơn trượt hay đau chân.

Khi di chuyển giữa rừng núi, những cơn mưa có thể đến bất cứ lúc nào, do đó du khách cần chuẩn bị sẵn quần áo mưa. Tốt nhất nên lựa chọn loại áo chuyên dụng vừa có khả năng giữ ấm lại vừa chống nước. Lưu ý là cần có cả quần chống nước. Nếu không, du khách cũng có thể sử dụng loại áo mưa cánh dơi trùm kín người để che balo sau lưng. Tuy nhiên, áo mưa cánh dơi sẽ khiến việc di chuyển khó khăn hơn.

Kích thước balo tùy thuộc vào độ dài của hành trình và lượng đồ bạn mang theo. Balo chuẩn bị khi đi leo núi là loại balo được làm từ chất liệu chống nước hoặc có túi bọc tránh nước mưa hoặc sương làm ướt đồ đạc bên trong.

Ngoài ra, một con dao nhíp hoặc dụng cụ đa năng nhỏ gọn, một túi cứu thương với các loại thuốc men cần thiết là những vật dụng hữu ích cho hành trình của du khách. Bạn cũng nên chuẩn bị thêm các loại thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng, la bàn, dây leo, đèn pin và vài bộ quần áo dự phòng…

Nếu có thời gian, du khách cần xếp các vật dụng sử dụng thường xuyên ở vị trí dễ lấy cũng như tập sử dụng thành thạo các dụng cụ y tế mang theo để tránh lúng túng khi cần thiết.

2. Tập luyện trước khi leo núi

Chuẩn bị tốt về sức khỏe là vô cùng quan trọng để có một chuyến leo núi an toàn. Các bác sĩ đã tư vấn rằng, những người mắc bệnh về suy hô hấp, huyết áp hay tim mạch và có thai thì không nên leo núi. Trong những ngày trước khi leo núi, bạn cần ăn đủ chất bổ dưỡng, hạn chế thuốc lá, bia rượu và điều quan trọng là ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày.

Du khách cũng nên rèn luyện thể lực bằng cách leo cầu thang, chạy bộ, đi bộ, bơi lội… trước khi leo núi từ một tuần đến một tháng để tăng độ bền và sức dẻo dai cho cơ thể.

3. Theo dõi dự báo thời tiết thường xuyên

Đối với một chuyến leo núi, thời tiết là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng nhất. Chính vì vậy, trước khi lên đường, du khách cần theo dõi các bản tin dự báo thời tiết thường xuyên. Đồng thời, trên dọc đường đi, cũng phải quan sát sự biến đổi thời tiết xung quanh. Việc này sẽ giúp bạn định hướng lối đi và đưa ra quyết định dừng nghỉ hay tiếp tục một cách hợp lý.

4. Tuân thủ những quy định của trưởng đoàn

Trưởng đoàn thường là người am hiểu về lịch trình cũng như có nhiều kinh nghiệm leo núi nhất trong đoàn. Do đó, việc lắng nghe và tuân thủ những hướng dẫn của họ sẽ đảm bảo cho sự an toàn của các thành viên khác.

Leo núi an toàn, du khách nên tránh việc tách đoàn để đi riêng. Việc di chuyển quá nhanh hoặc quá chậm so với các thành viên khác cũng khiến trưởng đoàn khó kiểm soát và gây ra nhiều nguy hiểm cho chính bản thân của du khách.